top of page
Ảnh của tác giảDiệp Hạ

Yêu thương độc hại

Tình yêu thương trong cuộc sống chưa bao giờ là khái niệm mang tính tiêu cực. Nó luôn gắn liền với những gì tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất, đáng trân trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người. Thế nhưng cái gì quá cũng không tốt, nhất là khi yêu thương không đồng hành cùng sự hiểu biết và lý trí. Yêu thương là cái nôi nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tình cảm của mỗi con người nhưng khi nó bị lạm dụng “quá liều”, nó trở nên độc hại. Bạn biết đấy, thuốc là một loại độc, dùng đúng cách là cứu người, dùng sai cách là hại người.

Trưởng thành trong một tình yêu thương như thế nào sẽ đầu độc một con người?

Sự bao bọc quá mức.

Ai cũng từng được sinh ra trong hình hài một đứa trẻ. Vào thời điểm non nớt nhất, một đứa trẻ khiến cho mọi người nâng niu, trân trọng, khóc một tiếng sợ đói, hở một chút sợ lạnh. Ngoài sữa mẹ, có thể nó còn được bồi bổ bằng một số mẹo dân gian khác, để dễ nuôi, để tăng cân, để không quấy khóc, thậm chí để không ra mồ hôi. Thế nhưng, sự yêu thương thiếu hiểu biết đó khiến những đứa trẻ như oằn mình trong cơn đau colic, trong môi trường nhiệt độ cao hơn chúng cần, phải tiêu hoá thứ không thuộc khả năng của mình. Lớn lên chúng ta không cần động tay động chân để kiếm đồ ăn bỏ miệng, không cần lo nghĩ việc mình muốn gì, chỉ cần học tốt, học giỏi, mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn. Nơi ăn chốn ở không phải lo, một công việc được dọn đường sẵn từ thủa đi học. Chúng ta dần mất đi khả năng sinh tồn của mình để rồi đến một ngày, ta bị cuộc sống này đè nặng đủ loại áp lực, ta chán nản, ta thấy mình kém cỏi. Người ta nói rằng thế hệ chúng ta quá sung sướng, cái gì cũng có mà làm thì không nên. Không ai nghĩ rằng ta bị tước đi quyền được là chính mình, quyền được học hỏi cuộc sống, được rèn luyện bản năng sinh tồn từ khi còn là một con non.



Yêu thương phân biệt giới tính.

Thời gian gần đây, trong cộng đồng truyền miệng nhau một câu nói: “Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái”. Giàu nghèo ở đây không chỉ nói đến vật chất. Con trai cần được tôi luyện trong lao động trở thành một người mạnh mẽ, có ý chí, hiểu được trách nhiệm của bản thân, có nhân phẩm tốt. Con gái cần được bồi dưỡng tri thức, chỉ bảo nhiều để trở nên hiểu biết, có chính kiến, không bị cám dỗ trước sa hoa, phù phiếm. Thế nhưng nhiều gia đình vẫn nuôi dạy con cháu theo hướng ngược lại. Người ta dạy con trai chơi vui, hưởng thụ nhiều, không để con trai nhúng tay vào việc gì, chê việc vặt việc nhỏ, muốn con trai đợi sau này làm chuyện lớn. Con gái được dạy phải biết làm mọi thứ, biết chịu đựng nhẫn nại, biết khéo léo mềm mại, quên đi những ý thích và mong muốn của bản thân, sống vì người khác. Hệ quả của lối giáo dục đó là tạo nên những người con trai ăn chơi hưởng lạc, lười lao động, tham lam hào nhoáng, ích kỷ, hẹp hòi. Những người này không những hoang phí bản thân mà còn đòi hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh để làm lợi cho mình, trong mắt chỉ nghĩ đến bản thân. Những người con gái trưởng thành trong lối giáo dục đó lại quen nhẫn nhịn, cho rằng đó là một lẽ dĩ nhiên, chịu bị lừa tình cảm khi yêu, chịu đối xử bất công trong hôn nhân, không dám mạnh dạn trong công việc, thiếu chính kiến và luôn bị những người xung quanh chê bai mắng mỏ, nếu không cũng lợi dụng.

Cuộc sống của con, quyền tự quyết không thuộc về con.

Có những đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi lớn lên chuyện gì cũng được cha mẹ quyết định thay. Họ chưa từng một lần được lựa chọn điều mình thích. Những câu nói “con thích bộ đồ này/đôi giày kia!”, “con muốn ăn món A”, “con muốn thi trường X”, “con yêu cô gái đó và con muốn lấy cô ấy” dường như trở thành những từ ngữ xa xỉ và cần muôn vàn can đảm mới có thể thốt ra, hoặc không bao giờ thốt ra. Những dồn nén dường như là bất tận khi mọi chuyện từ nhỏ đến to trong cuộc sống đều có bàn bàn tay sắp đặt của bố mẹ. Điều này luôn tồn tại trong mỗi gia đình ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta cho rằng chúng ta sinh ra và nuôi nấng những đứa trẻ đồng nghĩa chúng phải phụ thuộc ta, không được phép phản kháng và phải làm theo ý ta. Chỉ là, chúng sẽ không mãi mãi bé bỏng và nghe lời, mỗi đứa trẻ có một giới hạn riêng và không sớm thì muộn, chúng sẽ bứt ra khỏi vạch an toàn ta vạch sẵn. Ta không biết được đích đến của những “bứt phá” đó là gì? Là tích cực hay tiêu cực? Có thể sửa chữa nó hay không? Xuất phát điểm cũng bởi tâm lý bất an, sợ con sai, sợ con thiệt mà cướp mất tự do quyết định cuộc sống của con. Dần dần việc này trở thành thói quen khiến chúng ta can thiệp vào rất nhiều chuyện. Ta quên một điều rằng, nếu ta không để con sai những chuyện nhỏ, sau này con sẽ sai những chuyện lớn, thậm chí lớn đến mức trả giá bằng cuộc đời của chính con.


Cấm con học bay, cớ sao hỏi nó trời rộng nhường nào?

Ta để một em bé thức muộn thời kỳ ấu nhi và ta quát tháo chúng không ngoan khi không chịu ngủ sớm ở tuổi đi học. Ta không dạy cho con nấu ăn, chỉ cho phép chúng học hành, lớn lên ta trách chúng không nấu nổi một bữa ăn khi ta bận. Ta không cho chúng được học giáo dục giới tính, ta trách chúng sao lại yêu sớm, lầm đường lạc lối, đánh mất tương lai. Ta không dạy chúng cách làm ra tiền, nhưng ta đã đưa cho chúng tiền để tiêu và trách chúng hoang phí, không biết quản lý chi tiêu. Ta không dạy cho chúng biết quý trọng sức lao động, nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống, ta lại yêu cầu chúng phải biết ơn công sinh thành dưỡng dục của ta. Ta đòi hỏi chúng phải phục tùng theo ý muốn của ta với danh nghĩa là muốn tốt cho chúng, nhưng ta chưa bao giờ vì chúng mà bỏ qua những ý thích của chính mình dù tốt hay xấu. Ta yêu cầu chúng phải theo đuổi công việc mà ta muốn, để khi chúng làm không tốt, ta cho là chúng kém cỏi, ngu dốt. Ta không đồng ý cho con lấy người mà chúng yêu thương, chỉ cần ta hài lòng là đủ, để rồi khi chúng sống không tốt, ta vẫn tự hào nói đó là cuộc hôn nhân hoàn mỹ. Suy cho cùng, có nhiều người đến tận lúc đối mặt với tuổi già và bệnh tật vẫn không biết tại sao mình yêu thương và có trách nhiệm với con cái như vậy mà con vẫn không có cuộc sống tốt. Cuộc sống tốt là để cho chúng được phát triển, uốn nắn chúng chứ không phải kìm hãm, để cho chúng được tự mình sống, tự mình làm việc, tự mình yêu, tự vấp ngã và tự mình mạnh mẽ hơn. Cái mà chúng ta cần kìm hãm, không phải là con cái, mà là ham muốn bảo bọc và nỗi lo sợ của chính chúng ta.

Con tôi luôn đúng, con là giỏi nhất!

Quá tự tin với con mình cũng là một trong những dấu hiệu không mấy tích cực đối với sự phát triển của con trẻ. Thực tế chứng minh những đứa trẻ thành công sớm thường có khả năng chịu đựng thất bại kém hơn so với đứa trẻ bình thường khác. Khi trẻ đã quen với cảm giác thành công, cả con và bố mẹ đều sẽ quen với việc ngủ quên trên chiến thắng. Việc mình luôn đứng đầu là chuyện đương nhiên, sẽ không có ai vượt qua con mình, khi đứng trước thất bại sẽ cảm giác như cả thế giới sụp đổ. Khi con có mâu thuẫn với bất kỳ ai, bản năng của một số phụ huynh sẽ cho rằng con mình chắc chắn đúng, con mình hiển nhiên là người bị hại thay vì tìm hiểu kỹ sự việc. Việc tự hào hay bênh vực con cái không phải chuyện sai trái gì. Nhưng hãy thể hiện nó một cách lý trí. Khi con thành công, hãy công nhận con kèm theo lời nhắn nho nhỏ rằng đây là một trong rất nhiều những cột mốc trong đời con, hãy vui với điều đó và đừng quên những cột mốc trong tương lai, sau này có thể có lúc con sẽ không được như ý, nhưng mọi người vẫn sẽ cổ vũ cho con. Khi con gặp rắc rối hay mâu thuẫn, không vội bênh vực cũng không vội trách phạt, tự trấn an bản thân và khuyên con bình tĩnh để tìm hiểu đầu đuôi sự việc, khi mọi sự sáng tỏ, muốn xử trí ra sao cũng chưa muộn.


Con nhà người ta rốt cuộc là ở đâu?

Danh xưng “con nhà người ta” không còn xa lạ gì với những người đã và đang làm con cái. Việc so sánh con mình với một hình tượng nào đó vô tình khiến cho con bị ám thị tâm lý, dần cảm thấy mình kém cỏi tự ti. Trạng thái tinh thần này là rào cản cho trẻ trong rất nhiều những hoạt động sau này như học tập, rèn luyện, làm việc. Hơn nữa, với những trẻ có cá tính mạnh thì việc so sánh này dễ gây nên tâm lý phản kháng, những ức chế tích tụ, khiến trẻ không phục và càng ngày càng trở nên ngang bướng. Những đứa trẻ lớn thường sẽ thích ở cạnh những người có thể khích lệ và truyền cho chúng năng lượng tích cực hơn mà trách móc so bì. Bởi vậy mà giai đoạn dậy thì, trẻ thường sẽ thân thiết với bạn bè, anh chị em hoặc những mối quan hệ xã hội hơn là với bố mẹ. Nhiều người còn bị tổn thương từ sự không công nhận của cha mẹ đến tận khi trưởng thành, lập gia đình. Khoảng cách thế hệ không được tạo nên bởi tuổi tác hay góc nhìn, quan điểm sống khác nhau, mà nó tạo nên từ những sự phủ định lẫn nhau của các thành viên. Đó là lý do tại sao khi chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người khác biệt với chúng ta ngoài xã hội, chúng ta vẫn có thể hài hoà, nhưng với gia đình thì không. Người ngoài không tiện phủ định nhau, cho dù ưa thích hay không cũng sẽ có sự tôn trọng. Thế nên nếu giữa các thế hệ có sự tôn trọng lẫn nhau thay vì dùng cấp bậc để khống chế sẽ không còn tồn tại khoảng cách quá xa nữa. Và sự công nhận này cũng có thứ tự trước sau, bậc trưởng bối công nhận hậu bối, thì khi hậu bối trưởng thành sẽ tự biết công nhận trưởng bối. Cách con trẻ học không phải từ lời nói của người lớn, mà từ những gì người lớn làm, chúng bắt chước, sao chép và hình thành thói quen, tính cách, từ đó tạo nên một con người hoàn chỉnh.


Yêu thương bận đi trốn.

Xã hội phát triển cuốn đi nhiều sự ấm áp gia đình theo mất. Cuộc sống buộc những người trưởng thành phải cố gắng nỗ lực. Đâu đó người ta quên đi mất cái mà gia đình thực sự cần không chỉ là sự sung túc về vật chất, mà quan trọng hơn là sung túc về tình cảm. Ví dụ những bậc cha mẹ quay cuồng với công việc và áp lực, không dành được nhiều thời gian cho con cái, trở về nhà là mệt mỏi kiệt quệ, giận cá chém thớt. Con cái hứng chịu những sự vô tâm và cảm xúc tiêu cực lâu ngày trở thành con người khép kín và thờ ơ, nói cách khác là những đứa trẻ không được học cách yêu thương, cũng không biết cách thể hiện yêu thương. Khi cha mẹ già yếu mong ngóng một lời quan tâm, một hành động chăm sóc đều không có, lòng oán trách con cái lạnh nhạt, bất hiếu. Con cái vẫn không ý thức được mình đang làm sai chuyện gì. Một gia đình lúc thì thiếu vắng tình thương cha mẹ, lúc thì mất đi tình cảm con cái, yêu thương bận đi trốn, đó là gia đình mang tình yêu thương độc hại. Tất nhiên, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người mà nuôi dưỡng yêu thương theo cách khác nhau, dù nhiều ít miễn sao mỗi giây phút ở bên nhau hãy giữ gìn sự vui vẻ, đầm ấm thay vì lời mắng mỏ, than phiền.


Ảnh minh hoạ: Unsplash

留言


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page