Trong cuộc sống gia đình, giữa ông bà, cha mẹ và con cái luôn tồn tại một khoảng cách mà chúng ta gọi là khoảng cách thế hệ. Đó là khái niệm chúng ta dùng để giải thích cho mọi mâu thuẫn xung đột xảy ra trong đời sống gia đình. Vậy thực sự có phải chỉ vì những khác biệt giữa những người thân với nhau mà gây ra sự xa cách hay không? Có thể có những tác động khác thúc đẩy sự va chạm giữa mọi người hay không? Chúng ta hãy dành ra một chút thời gian để suy ngẫm xem rốt cuộc vấn đề của chúng ta nằm ở đâu? Chúng ta cần khắc phục nó thế nào để cải thiện mối quan hệ gia đình?
Đọc thêm bài viết: Cuộc đời có mấy lần hai mươi năm?
Chúng ta và người thân là các cá thể riêng biệt.
Chúng ta là mỗi con người được sinh ra và sống trong môi trường khác nhau, được giáo dục theo những cách khác nhau, hoàn cảnh mỗi người sống cũng khác nhau. Giữa những người cùng một thế hệ vẫn xảy ra sự bất đồng là chuyện bình thường, chưa nói đến thế hệ khác nhau có quan điểm càng khác biệt. Cây nào đất ấy, có loài cây ưa nước sẽ thích hợp trồng trên đất có độ ẩm cao, có loài cây kỵ nước thì sẽ trồng thích hợp sống trên đất khô hơn. Không có ai giống với ai hoàn toàn cho dù chúng ta có cùng chung huyết thống. Vậy nên chúng ta mới hợp lại trở thành một xã hội đa dạng về chủng tộc, hình dáng, văn hoá, tính cách, lối sống. Mỗi cá nhân cần cố gắng hòa nhập, thích nghi với môi trường sống và cộng đồng thay vì cố gắng yêu cầu người khác phải giống mình. Việc tôn trọng nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau cũng là một cách để giữ hoà khí, đặc biệt là trong gia đình. Có sự tôn trọng thì giữa các cá nhân cũng dễ dàng trao đổi với nhau, dễ đồng cảm và thấu hiểu nhau. Từ đó, mối liên kết giữa các thế hệ được củng cố, khắc phục những mâu thuẫn, bất đồng.
Người lớn có quan điểm lâu năm, khó thay đổi
Người lớn sống lâu hơn chúng ta, quan điểm sống được hình thành và xây dựng theo thời gian dài trở nên khó thay đổi hơn. Họ tin vào những điều mang tính lâu dài, truyền đời kế thừa, góp nhặt bằng trải nghiệm của chính họ. Thế nên, để yêu cầu họ nghĩ khác đi hay phải thay đổi là điều rất khó, thậm chí có một số người không thể thay đổi. Với sự lâu năm đó, họ tin rằng họ luôn đúng. Họ luôn mặc định rằng thế hệ trẻ không dày dặn kinh nghiệm như mình nên sẽ không dễ dàng thay đổi chủ ý. Vì lối tư duy này nên trong nhiều gia đình, cha mẹ áp đặt con cái phải làm theo những điều họ muốn, ít có sự thấu hiểu. Từ những chuyện rất nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày cho đến những chuyện quan trọng của con như chọn trường lớp, ngành nghề yêu thích, tìm hiểu đối tượng kết hôn, cha mẹ đều can thiệp và khó hài lòng. Việc này hiển nhiên gây nên những mâu thuẫn không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Xuất phát điểm của những sự can thiệp ấy cũng từ tình yêu thương, sự lo lắng cho đứa con, chỉ là cách thể hiện chưa được văn mình khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên thêm xa cách.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng thiếu sự thấu hiểu con cái. Một số ít cha mẹ thuộc thế hệ trước chúng ta vẫn duy trì được sự thoải mái tâm lý trong nuôi dạy con. Điều này dẫn đến bạn trẻ được tự do khám phá cuộc sống, trải nghiệm những sự mới lạ, học hỏi thêm nhiều thứ hay ho, ngày càng tự lập hơn.
Chúng ta có sự lì lợm và ngang bướng
Chúng ta là những con người có cá tính riêng, có suy nghĩ và quan điểm của bản thân. Chúng ta cũng nuôi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan của riêng mình, được học để nhận thức đúng đắn về những con người, những vấn đề diễn ra trong đời sống. Chúng ta thể hiện sự lì lợm và ngang bướng như một cách bảo vệ quan điểm của mình, mang trong mình niềm tin vào bản thân, khao khát khẳng định mình để được người lớn tôn trọng, công nhận sự trưởng thành của chúng ta. Nhưng chẳng có gì là dễ dàng, bởi chúng ta vẫn còn cần học thêm nhiều điều, không may là chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển giao giữa nền văn hoá truyền thống và hiện đại. Sự cạnh tranh giữa nhiều vấn đề trong cuộc sống là một biểu hiện cho thấy xã hội đang phát triển, hoàn thiện. Mâu thuẫn giữa các thế hệ cũng góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh ấy.
Những người trẻ sẽ không còn cảm thấy quá bế tắc nếu hiểu rằng những mâu thuẫn là điều tất nhiên sẽ xảy ra, khía cạnh tích cực là giúp bản thân học cách giải quyết vấn đề. Khi cha mẹ phản đối bạn theo ngành học bạn yêu thích, bạn sẽ phải tìm cách để chứng minh lựa chọn của mình là nghiêm túc. Để thuyết phục được họ, bạn cần biết tại sao họ lại phản đối lựa chọn theo học ngành đó. Cha mẹ cảm thấy đầu ra của ngành học không rộng mở? Tương lai làm nghề khó lập gia đình? Cha mẹ muốn bạn theo học một ngành mà gia đình có thể giúp bạn xin việc? Có rất nhiều lý do. Bạn hãy giải quyết vấn đề họ lo lắng bằng cách tìm các tư liệu dẫn chứng về hy vọng công việc khi ra trường, khẳng định sự nghiêm túc theo đuổi của bạn, đưa ra những tấm gương người đi trước có cuộc sống riêng hạnh phúc dù theo nghề. Mỗi lần bạn lắng nghe và thuyết phục cha mẹ, đó là một lần bạn tích lũy được kỹ năng giải quyết vấn đề, khiến mối quan hệ giữa hai thế hệ thêm sự tin tưởng.
Đọc thêm bài viết: Yêu thương độc hại.
Đôi bên đều quan trọng “mặt mũi”
Khi xung đột xảy ra giữa đôi bên, điều khó có thể thực hiện nhất là dừng lại đôi phút lắng nghe đối phương. Bởi ai cũng đều cao ngạo, khăng khăng giữ chính kiến của bản thân. Chúng ta còn không thuyết phục được bản thân mình chịu lắng nghe, nhưng lại yêu cầu người khác phải lắng nghe chúng ta nói. Đâu có dễ vậy, cho dù bạn tin là mình đúng, việc lắng nghe cũng không bao giờ là thừa. Biết đâu, chỉ cần dừng lại một vài phút, tĩnh tâm mình lại, chúng ta lại hiểu được tâm trạng và suy nghĩ của các bậc trưởng bối.
Nhu cầu giao tiếp, đối thoại được hình thành trong xã hội loài người từ thời nguyên thuỷ. Giao tiếp trong xã hội loài người là một nhu cầu thiết yếu, cũng là một phương tiện để con người tiến dần đến với cuộc sống văn minh. Có nhiều điều bất ngờ xảy ra khi giữa chúng ta có sự lắng nghe. Biết đâu được rằng chúng ta có thể nhìn nhận mọi việc theo một khía cạnh mới. Mọi thứ không tự nhiên sinh ra, người lớn có suy nghĩ của họ không phải là ngẫu nhiên mà họ ngăn cản chúng ta làm điều gì đó. Nhất định phải có lý do thì mới khiến những điều người lớn kiên trì khuyên ta đều là có lợi cho ta. Nhiệm vụ của chúng ta là lắng nghe, suy nghĩ kỹ và đưa ra lựa chọn, thuyết phục ông bà, cha mẹ tin tưởng, thành toàn cho mong muốn của bản thân.
Đôi khi, bạn sẽ gặp phải những chuyện mà đối thoại không giúp bạn giải quyết vấn đề. Lúc này, thành quả của bạn, sự nỗ lực của bạn mới là công cụ thuyết phục tối ưu nhất. Việc bạn đấu tranh gay gắt, đôi co phải trái với bề trên chỉ khiến bạn trở thành người hối hận. Mỗi khi cảm thấy sắp mất bình tĩnh, bạn hãy nghĩ đến tình yêu thương mà gia đình dành cho bạn, quý giá hơn tất cả những gì bạn đang có. Bạn hiểu rằng gia đình yêu thương mình nhất, bạn sẽ không còn muốn mất bình tĩnh với họ nữa. Lắng nghe và lặng lẽ nỗ lực chứng minh bản thân là cách người trưởng thành giữ thể diện cho mọi thành viên trong gia đình, đồng thời bản thân cũng được sống theo mong muốn.
Chúng ta không dành thời gian để hiểu nhau
Chúng ta bị cuốn theo cuộc sống hối hả vội vàng, để đánh mất đi những giá trị trong cuộc sống. Ngay cả khi chúng ta có nhiều thời gian hơn, chúng ta cũng sẽ làm nhiều công việc hơn chứ không dành cho gia đình. Việc không có thời gian không thể trở thành lý do để chúng dựa vào đó để bao biện cho sự thiếu quan tâm của mình đối với người lớn trong nhà. Chuyện bận rộn là câu chuyện mỗi ngày, của mỗi người, dành ra đôi ba phút để lắng nghe cảm xúc ngày hôm nay của người thân không khiến công việc của bạn ít đi, nhưng chúng ta cũng cảm thấy yên bình.
Bạn biết không, với một số người đi trước, họ đến tuổi xế chiều, họ sẽ giống hệt trẻ con, biết giận dỗi, biết làm nũng con cái. Họ mong mỏi được chúng ta quan tâm nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra không cần đến. Có thể họ không muốn làm phiền chúng ta vướng bận với họ, muốn chúng ta tập trung cho gia đình, sự nghiệp. Có một kiểu khác, đó chính là những người lớn hờn dỗi. Tại sao nói hờn dỗi? Vì họ giận thật bạn ạ. Họ nhận ra họ cần sự quan tâm từ chúng ta nhưng chúng ta lại thiếu đi sự tinh tế, chu đáo để nhận ra điều đó. Vậy nên chúng ta bị giận. Nếu bạn chịu lắng nghe, bạn sẽ thấy “thì ra là như vậy”, nếu bạn không chịu lắng nghe, cái gì cũng vô ích. Chúng ta sẽ lại lặp lại những trận cãi vã vì không có sự thấu hiểu của đôi bên.
Đọc thêm bài viết: Tình thương ở đâu khi ta lạc lối?
Không có người lớn nào lại muốn “tranh đấu” với hậu bối của mình. Có chăng chỉ là vì lo lắng nghĩ nhiều, hoặc thực sự cần những lời hỏi han, cần được chúng ta lắng nghe. Ai cũng có nhu cầu được giao tiếp, được bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ. Chỉ là khi người lớn còn có nhiều mối quan hệ, nhiều việc phải làm thì những nhu cầu đó bị bỏ qua. Thế nhưng khi có tuổi, họ không thể tự mình đi đâu cả, sức khoẻ thể chất trở nên yếu hơn, tinh thần trở nên nhạy cảm, họ mới nhận ra mình cần được con cháu yêu thương, quan tâm đến thế nào. Không ai có thể dễ dàng quen với việc thay đổi lối sống, việc tuổi già tìm đến cũng khiến con người cảm thấy khủng hoảng tinh thần. Từ vị trí cốt cán, trụ cột kinh tế trở về vị trí một người già nghỉ ngơi an dưỡng, tưởng rằng sẽ thoải mái. Nhưng nhàn nhã về thể chất lại bất an về tinh thần, suy nghĩ, lo lắng, tủi thân nhiều hơn. Rốt cuộc thì cho dù là thế hệ nào, tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình đối với nhau sẽ bao dung tất cả. Chúng ta kiên nhẫn lắng nghe, trò chuyện thì mọi thứ sẽ trở nên tích cực hơn.
Hạnh phúc không phải tìm đâu xa, hạnh phúc ở ngay bên mình.
Hạnh phúc không tự lớn lên, hạnh phúc cần tình yêu thương nuôi dưỡng.
Ảnh: Unsplash
Comentarios