Có thể có một thời điểm nào đó bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân, nghi ngờ sự chọn lựa của chính mình. Nhưng hãy bình tĩnh và đừng vội nản chí. Tôi thường nghĩ đến lý do mà tôi bắt đầu, động cơ từng thúc đẩy tôi và mong muốn của tôi vốn là gì? Thực tế trải nghiệm của chính tôi chứng minh rằng sự lạc quan và vui vẻ có thể không giúp tôi thành công ngay lập tức mà sẽ giúp tôi vực dậy tinh thần. Việc bạn đứng vững về mặt tinh thần còn quan trọng hơn tất thảy mọi thứ khác.
Đôi chân không vững vàng đâu thể nghĩ đến việc bước đi.
Tinh thần không vững vàng thì càng chẳng thể suy nghĩ được gì.
Năm tôi mười hai tuổi, tôi bắt đầu viết một câu chuyện dựa trên trí tưởng tượng của mình. Đó là thể loại truyện dài kỳ, mang màu sắc trẻ con, trinh thám và phiêu lưu. Tôi mới viết được hai chương thì đã mang khoe nó cho mấy người chị em họ của mình. May mắn là họ tiếp nhận nó một cách bình tĩnh và từ tốn, bởi nói thật thì câu chuyện hết sức nhảm nhí, chưa kể tôi còn “đạo” tình tiết của phim hoạt hình và phim trinh thám đã được xem. Bản thân tôi cũng cảm nhận được rằng câu chuyện của mình rất dở, nhưng đối với tôi lúc đó, việc sáng tác ra một câu chuyện và viết nó khởi đầu với bốn, năm trang giấy A4 là điều vô cùng vĩ đại. Sau đó, tôi từ bỏ vì tôi cho rằng bản thân mình không có tính sáng tạo, không còn ý tưởng, không tự tin, không có kĩ năng viết. Sau đó một thời gian, tôi được biết đến và đọc nhiều báo Hoa học trò, tôi liền nảy ra ý tưởng gửi truyện ngắn cho tòa soạn và ôm giấc mộng một ngày thấy bài viết của mình trên trang báo. Một lần nữa, tôi lại từ bỏ việc viết sau một lá thư không hồi âm. Ngày ấy, công nghệ thông tin không phổ biến và mạnh mẽ như bây giờ, tôi chỉ gửi bài viết tay đơn giản qua đường thư bưu điện. Trải nghiệm nhớ lại thấy cũng xao xuyến lắm, tôi lóc cóc đạp xem mang theo bài truyện ngắn của mình viết trên một tờ giấy in màu hoa lá cành xinh xắn. Trước bưu điện nào cũng có một cabin nhỏ của người bán tạp chí, báo giấy, phong bì thư, tem thư, v.v.v… Tôi mua một phong bì và một tem thư tổng cộng hai nghìn đồng, cẩn thận từng chút đóng gói và bỏ thùng thư. Đợi rất lâu cũng không có tin tức gì, tôi biết mình đã bị loại. Điều này khiến tôi buồn một chút nhưng không quá lâu, tôi nhận định mình không thể viết. Lên cấp ba, sau khi đỗ tôi đăng ký học theo ban tự nhiên thay vì ban xã hội bởi tôi mặc định mình không thể sáng tác hay viết lách. Với một đứa học các môn chất lượng từ trung bình khá đến khá đều đều như tôi thì bất lợi chính là không rõ thế mạnh thực sự của mình ở đâu. Thành tích môn văn suốt quá trình đi học đều khá, thậm chí tôi từng theo học thêm một lớp chuyên văn cuối cấp hai, nhận xét của các cô giáo từng dạy văn tôi đều tích cực nhưng tôi vẫn không thể viết, tôi nghĩ có lẽ mình chỉ là giỏi phân tích những tác phẩm có sẵn do cảm thụ tốt thôi.
Năm thứ hai đại học, tôi lập một trang của riêng mình trên mạng xã hội Facebook. Tôi biết đến mạng xã hội khi học lớp mười hai, trong mắt tôi đó là một thứ xa lạ, và vì ngại thể hiện mình nên Facebook cô bạn thân lập hộ rủ rê tôi tham gia chẳng khiến tôi mảy may quan tâm. Năm nhất đại học tôi bắt đầu dùng và đăng tải một số hình ảnh của mình, được bạn bè ủng hộ, tôi dần “chơi” Facebook thường xuyên hơn và đến lúc muốn lập một trang riêng thỏa mãn niềm yêu thích được viết. Suốt thời đại học, trang giấu mặt đó là nơi tôi tha hồ lảm nhảm mà không sợ ai chê cười. Thậm chí tôi không chạy quảng cáo cũng có đến gần 900 lượt theo dõi, mỗi bài tiếp cận được 400-600 người và thỉnh thoảng có tương tác một số lượt yêu thích nho nhỏ, một vài lượt bình luận hiếm hoy nhưng vui vẻ. Ngoài trang cộng đồng nghèo nàn không chạy nổi quảng cáo đó, tôi còn viết hết ba cuốn sổ 200 trang về những cảm xúc của bản thân, giống như nhật ký vậy, nhưng không phải với tần suất hàng ngày. Bất cứ lúc nào trong đầu tôi có một điều gì đó đang được nói, thì tôi sẽ ghi lại. Khoảng thời gian năm cuối bận rộn cho việc bài vở chuyên ngành rồi lại thực tập tốt nghiệp, bảo vệ khóa luận, tôi không có ý tưởng hay cảm hứng viết, cũng không có thời gian để viết. Khi tôi bắt đầu rảnh trở lại thì thuật toán thay đổi, những trang mạng không có một xu quảng cáo như tôi “vắng tanh như chùa bà đanh”. Những bài đăng nội dung nhàm chán không khiến chính bản thân tôi hài lòng chứ đừng nói là tự tin khiến cho người khác thích. Số lượng người theo dõi giảm hẳn, từ đó tôi lại bỏ viết.
Hiện tại, sau khi nghỉ làm sinh con và ở nhà nội trợ được một năm, tôi bắt đầu cảm thấy nhàm chán và muốn được làm việc. Tình cờ một người chị làm freelance gửi cho tôi một vài link tuyển dụng cộng tác viên viết bài và tôi thử sức ở một trang web tin tức. Tôi viết chuyên mục đời sống, ngoài những tin tức thông thường được cập nhật, tôi còn đăng những bài viết tự sáng tác. Thật vui vì tôi nhận được phản hồi tích cực từ ban biên tập. Bài viết của tôi, từ bài ứng tuyển đến giai đoạn thử việc đều được đăng và khi chia sẻ nhận được một vài phản hồi tốt từ bạn bè. Tôi cảm thấy mình đã tìm được một công việc phù hợp với sở trường và niềm yêu thích của bản thân. Cuộc sống của tôi không có điều gì đặc biệt. Thành tích của tôi cũng không có gì khác thường. Tôi chỉ có thể lấy nỗ lực và kỷ luật để khiến mình có động lực bứt phá. Khi tôi được ông xã chúc mừng công việc mới, chúng tôi đi ăn một bữa thật thịnh soạn. Chồng tôi ủng hộ con người ham phấn đấu và tích cực của tôi. Anh ấy chưa quan trọng tôi kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc này. Anh ấy chỉ cần tôi sống vui vẻ, có sở thích, có ước mơ, có mục đích, anh ấy không muốn tôi bị lùi lại quá xa với thời cuộc. Sau đó, khi những kết quả nho nhỏ tích cực được tôi đem khoe với anh. Anh thể hiện sự tự hào trên nét mặt và dành những lời có cánh, cử chỉ ấm áp dành cho tôi. Những điều này khiến tôi càng muốn cố gắng, càng muốn lao vào thử sức, trải nghiệm. Không chỉ vậy, những bài viết của tôi khiến cho anh cảm thấy thư giãn sau mỗi vất vả trong công việc. Anh nói rằng nhìn tôi làm việc, anh lại càng có động lực hơn, anh đã đăng ký thêm những khóa học online để trau dồi thêm chuyên môn nghề của mình.
Thật ra, việc để nỗ lực làm một việc gì đó không quá khó. chỉ là chúng ta cần xây dựng nguồn cảm hứng cho việc đó và tìm cách duy trì nó. Sau đó là đến tính kỷ luật, chúng ta không mong muốn bản thân cố gắng thực hiện được vài hôm đôi tuần là từ bỏ. Nhưng hầu hết chúng ta đều dễ bỏ cuộc ở giai đoạn ta gần đến với mong muốn nhất. Tôi đã lưng chừng và bỏ qua nhiều thời gian, nhiều cơ hội, nhưng chí ít tôi vẫn nhận ra sự thôi thúc và muốn làm lại. Cho dù mất nhiều thời gian hơn những gì đáng ra tôi không mất, nhưng bù lại, tôi cũng đã đạt được một độ “chín” nhất định trong kỹ năng và trải nghiệm. Những gì viết lách vu vơ trong quá khứ tưởng như vô giá trị thì hiện tại nhìn lại, đó là sự luyện tập, sự mài giũa trong vô thức. Khi tôi trải lòng bằng câu chữ, tôi cũng vô tình khai thác bản thân và rèn luyện được tư duy viết. Tôi của bây giờ tích lũy thêm được những kinh nghiệm sống quý giá, là nguồn tư liệu viết tuyệt nhất mà tôi được sở hữu. Mỗi chúng ta đều có một hay nhiều khả năng nào đó, bạn hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn. Khi tiếng nói trong bạn nói với bạn rằng muốn làm điều gì, đừng vội chối bỏ nếu một con người khác trong bạn nói rằng không thể, điều bạn cần làm là tìm cách bắt đầu nó. Tôi đã bước đi như thế đấy.
Ảnh: Unsplash.
Comments