Cách đây mấy năm, để chuẩn bị cho việc dự đám cưới một người bạn, tôi quyết định đi sắm cho mình bộ móng mới. Chị chủ quán khá trẻ và xởi lởi, chúng tôi cũng nói được vài câu chuyện phiếm.
Từ đâu bước vào một bác gái lớn tuổi, hỏi chị ấy:
Này, tí nữa mày có sang viếng đám nhà bà H không?
Giọng chị thợ móng lanh lảnh:
Có chứ! Lát cơm nước xong cháu sang.
Mày nhớ gọi cô đi cùng nhé, vào một lượt luôn, mình tao đi ngại lắm.
Ôi giời, ngại cái gì mà ngại. Được rồi, lúc nào cháu đi cháu qua cháu gọi.
Nói đoạn, bác gái hớt hải quay đi bảo chạy về tranh thủ cơm nước, nhanh lẹ như khi xuất hiện. Chị thợ quay lại tập trung hoàn thành bộ móng của tôi, kéo cái đèn lại cho tôi hơ khô móng, chị gái tặc lưỡi thở dài:
Rõ khổ, bên nhà bà H đó là hàng xóm nhà chị, con trai mới mất vì tai nạn lao động, để lại vợ với hai đứa con thơ. Mà vợ nó trẻ lắm, sinh năm chín tư em ạ, còn mới sinh nữa.
Tôi nghĩ câu hỏi thêm để tiếp nối câu chuyện, chứ không có ý muốn tò mò cuộc sống của người mình không quen.
Vợ trẻ thế mà hai con rồi à chị, mới sinh được bao lâu vậy chị?
Ba năm hai đứa ấy em, mà mới sinh đứa thứ hai vừa đầy tháng xong, giờ là góa phụ rồi. Khổ thân. Đấy, sống ở đời chẳng biết trước được chuyện gì em nhỉ?
Vâng. Chắc là sau này chị đó vất vả nhiều lắm.
Cũng mấy năm rồi, tôi không còn sống ở khu vực đó nữa, cũng không quay lại tiệm móng đó lần nào. Lúc nào cần thì tiện ở đâu làm ở đấy. Không biết người phụ nữ trong câu chuyện giờ cuộc sống ra sao, chỉ biết tại thời điểm đó hẳn là rất khó khăn để vượt qua. Chuyện một người thân đang sống khỏe mạnh, nói chết là chết, chẳng thể có với nhau một lời từ biệt. Con cái nheo nhóc không còn chỗ dựa, một thân thể mới sinh yếu ớt chống chọi với cú sốc tinh thần nặng nề. Một gia đình nhỏ đang ở giai đoạn đầu của vun đắp tổ ấm, bỗng chốc trở nên giá lạnh. Tôi ngẫm nghĩ, một ngày có biết bao chuyện éo le, đột quỵ, tai nạn, những cái chết bất ngờ chẳng báo trước. Tự nhủ trong tương lai, bản thân phải luôn luôn cố gắng sống độc lập. Ngộ nhỡ mình trở thành một trong những người thân xấu số đó, cho dù đau lòng đến cùng cực cũng không để mình lâm vào cảnh đường cụt.
Đọc thêm bài viết: Rốt cuộc thì hôn nhân của bạn cũng cần phải có điều này.
Trong lòng tôi, từ sau khi tốt nghiệp, tôi luôn có một ám ảnh rằng bản thân nhất định phải gây dựng một sự nghiệp nho nhỏ, đủ để chống đỡ nếu người thân của tôi gặp chuyện. Điều đó ảnh hưởng đến hành vi, lối sống của tôi. Cho dù vài năm tiếp đó, tôi vẫn chỉ là một con bé làm công ăn lương bình thường, tư tưởng của tôi vẫn không thay đổi. Đến một ngày nọ, khi tôi tìm đồ để đặt mua qua mạng cho con, nhưng lại lăn tăn vì thiếu tiền. Lý do bởi tôi sinh con vào năm đầu tiên của dịch Covid, sau khi nghỉ hết kỳ thai sản, tôi nghỉ việc hẳn để ở nhà chăm sóc con, định bụng sau khi con cứng cáp sẽ tìm một công việc mới. Thấm thoắt đến thời điểm đó đã qua một năm. Số tiền bảo hiểm thai sản chi trả đã tiêu gần hết. Chồng tôi thấy được tôi do dự, anh ấy bảo tôi rằng:
Em cứ mua đi, thiếu thì anh trả.
Tôi lừng chừng, anh ấy lại nói tiếp.
Bao giờ đi làm thì trả anh sau cũng được.
Tôi có chút phẫn nộ trong lòng, cố gắng đè lại nhẹ giọng nửa đùa nửa thật:
Giờ mua cho con mà anh còn muốn ghi nợ em.
Anh sợ em giận, vì có bao giờ em dựa hoàn toàn vào anh đâu. Em vẫn luôn không muốn tiêu tiền của anh.
Tôi hơi giật mình. Thì ra tôi đã khiến cho anh ấy cảm thấy tôi vạch ra ranh giới với anh ấy về mặt tiền bạc. Thực ra tôi vốn không phải là người mong muốn một cuộc hôn nhân rạch ròi tiền chồng tiền vợ. Chỉ là tôi biết mỗi đồng tiền làm ra không dễ dàng gì, tôi không muốn mình sinh ra ỷ lại, chỉ biết thiếu thì rút ví chồng. Trước khi lấy chồng, bố mẹ tôi cũng từng thắc mắc rằng tại sao thời đại học không thấy tôi giục bố mẹ gửi tiền, cứ lúc nào có thì gửi, gửi chậm cũng không thấy tôi kêu. Tôi không muốn bản thân chỉ biết ra rả mở miệng là xin tiền, mặc dù bố mẹ cho con cái, hay chồng đưa tiền cho vợ tiêu vốn chẳng phải việc gì to tát. Tôi vốn không giữ tiền của chồng. Cưới nhau về, khi anh ấy công khai tài chính với tôi, tôi chủ động từ chối việc giữ tiền, vì tôi thấy người dám công khai với vợ, lại có khoản tiết kiệm trước hôn nhân để lo đám cưới, không có lý do gì để không tin anh ấy. Mặt khác, tôi cảm thấy đau đầu với việc tính toán chi tiêu. Khi có việc, hai vợ chồng sẽ ngồi lại bàn bạc xem chi tiêu bao nhiêu, cân đối thế nào. Anh sẽ chịu trách nhiệm những khoản lớn, tôi đóng góp những khoản nhỏ hơn. Hoặc có khi sẽ là chia đôi, chia bốn sáu, bảy ba. Tùy vào năng lực kinh tế của chúng tôi mỗi thời điểm, ít nhiều tôi cũng giữ nguyên tắc mình phải đóng góp. Nếu nhất thời chưa thể đáp ứng, tôi sẽ trả anh vào kỳ lương tiếp. Khoản chi cá nhân tôi đều tự chi trả hoàn toàn: mỹ phẩm, trang phục, đồ cá nhân, tín dụng. Lúc nào anh muốn tặng tôi thứ gì thì tặng, tôi không từ chối. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, tôi vẫn đóng góp với chồng và tự chi trả những khoản riêng của mình. Ngay cả khi anh ấy nói anh có thể lo được, tôi cũng vẫn nằng nặc đòi phần đóng góp.
Chuyện gì đến cũng đến, thời gian nghỉ quá dài, số tiền dự phòng cũng được chi hết. Việc đau đầu nhất là tôi cố gắng kiếm việc để làm tại nhà. Nhưng trước khi có công việc, tôi thực sự đã phải dựa vào chồng nuôi. Chẳng có sự độc lập nào dễ dàng. Nếu chọn quay lại công việc thì con cái sẽ thiệt thòi, thiếu vắng bàn tay của mẹ. Chồng tôi động viên vợ cố gắng, thời gian ấu thơ của con cũng không phải muốn là trở lại được, anh nói tôi còn trẻ, một hai năm không làm khó được tôi, cũng coi như có thời gian để học tập thêm. Anh nghĩ vấn đề tôi lo sợ là tiền bạc, nhưng thật sự tôi bị ám ảnh về việc nếu chúng tôi gặp phải biến cố không biết trước được, người còn lại liệu có thể cáng đáng một mình?
Đọc thêm bài viết: Tình thương ở đâu khi ta lạc lối?
Người ta luôn nói sống hết mình mỗi ngày như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình. Chưa ai chỉ cho chúng ta rằng nếu hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta còn có chỗ dựa thì sau đó ta nên sống thế nào? Một chỗ dựa về tinh thần, một chỗ dựa về tài chính, có thể là bố mẹ, là chồng, là vợ, có được những người đó thật tốt. Nhưng nếu bất ngờ ta mất đi họ, cuộc sống ta vẫn phải chịu trách nhiệm, năng lực độc lập quyết định việc bạn chống đỡ được đến đâu.
Bởi vậy, dù là khi chúng ta cần dựa vào ai đó, cũng đừng nghĩ điều đó là mãi mãi. Cứ cho người thân cơ hội được giúp đỡ chúng ta, cho bản thân được nhận sự hỗ trợ. Đồng thời cũng cố gắng phấn đấu cho bản thân được độc lập, bằng cách này hay cách khác.
Quãng thời gian chồng “nuôi” này của tôi khiến cho tôi cảm thấy tinh thần nhẹ nhàng hơn bởi ám ảnh được xoá nhoà đi. Việc ôm ấp những tưởng tượng, sự ám thị về nguy cơ và nỗi lo sợ xa xăm không khiến cuộc sống của tôi khá hơn, thậm chí chất lượng sống giảm đi bởi sự căng thẳng. Đây cũng là quãng thời gian tôi phấn đấu cho mình bằng những công việc khác, học thêm về kỹ năng nghề nghiệp qua các khóa học trên mạng, tự rèn luyện những kỹ năng mới, đọc nhiều hơn để tích lũy vốn sống, tự tay chăm sóc con cho tốt. Những việc đó, nếu là trong thời gian đi làm, tôi không thể thực hiện được nhiều như vậy. Tôi nhận ra sự độc lập là không để mình “chết ở tuổi hai mươi lăm, đến năm bảy mươi lăm tuổi mới chôn”. Sự độc lập thực sự đến từ ý chí và những việc bạn làm. Vậy nên kể cả quãng thời gian bạn không tạo ra tiền bạc, vẫn có thể tạo giá trị kinh tế, giá trị tri thức thông qua những công việc nuôi dạy con, làm việc nhà, học thêm kiến thức, đọc thêm nhiều thông tin, sách báo.
Khi bạn có mục đích sống cho mình, có kế hoạch cụ thể và bắt tay vào hành động để thực hiện nó. Điều đó nghĩa là bạn đã bắt đầu bước đi trên con đường sống độc lập, tự chủ. Tiền bạc, thành tựu là một trong những kết quả mà sống độc lập mang lại. Chỉ vì những điều đó mà phủ nhận bản thân, sống trong tự ti, lo lắng, thấp thỏm là điều vô ích, cũng không vì đã đạt được những kết quả mà trở nên quá yên tâm, ỷ lại.
Ảnh minh hoạ: Unsplash.
コメント