top of page
Ảnh của tác giảDiệp Hạ

Rốt cuộc thì hôn nhân của bạn vẫn cần phải có điều này?

Một tối nọ, sau khi ăn cơm xong, chồng tôi chủ động nhận việc rửa bát và bảo tôi lên phòng với con. Tôi có đùa lại một chút và anh bảo: “Nếu mà có nhà riêng thì đừng có mơ động vào mấy việc này”. Tôi đáp: “Anh sẽ chiều em hư đấy”. Anh trả lời rằng vẫn sẽ có việc cho tôi làm thôi, ví dụ như nấu ăn, dạy con học. Tôi vui vẻ tuân lệnh lên phòng với cảm giác tự hào.

Tôi và chồng quen nhau vì làm cùng công ty, sau một thời gian khá lâu mới chính thức quen nhau, tính cả thời gian tìm hiểu ban đầu và yêu chính thức được một năm thì cưới. Gia đình anh là gia đình công chức, nhà Hà Nội, anh làm kĩ thuật mạng, thu nhập khá tốt. Tôi thì khác, bố mẹ đều là lao động phổ thông, kinh tế tầm trung, đôi lúc còn khá khó khăn, tôi làm nhân viên văn phòng bình thường, thu nhập chỉ đủ thuê trọ và sinh hoạt ăn uống. Bối cảnh hai gia đình chênh lệch mọi mặt. Gia đình bên nhà chồng không thực sự ưng ý nhưng cũng không phản đối, một phần vì ngoài kinh tế ra tôi cũng coi như ổn, anh cũng đến tuổi lập gia đình, chồng tôi cũng là người độc lập và có chính kiến. Vậy nên đám cưới được diễn ra thuận lợi.

Thế nhưng, sau kết hôn tôi dần nhận ra sự khác biệt về gia cảnh có tác động như thế nào đến cuộc sống của chúng tôi. Tôi luôn mang một suy nghĩ rất lạc quan rằng, chỉ cần mình có lòng, thật tâm coi bố mẹ chồng, gia đình chồng là gia đình ruột thịt, đối đãi công bằng thì mình sẽ sớm muộn cũng nhận lại tình cảm yêu mến. Thực tế đã cho tôi thấy mọi chuyện không dễ dàng. May mắn chồng tôi vẫn luôn yêu thương và để ý đến tâm trạng, cảm nhận của vợ, động viên an ủi và thông cảm cho vợ. Anh không phân biệt nội ngoại, không so đo, áp đặt vợ phải theo ý mình. Những lúc tôi không vui, khó chịu, giận dỗi, anh đều im lặng nghe tôi nói, dỗ dành tôi. Không phải anh chỉ làm dịu tôi cho xong chuyện, mà hôm sau sẽ đưa tôi ra ngoài ăn, đi đâu đó lượn lờ cho khuây khoả, tôi cũng sẽ mau chóng không còn để ý đến những chuyện không vui nữa. Bố mẹ chồng cũng vì nể mặt con trai nên dù không đến được mức độ yêu quý con dâu nhưng cũng không bày tỏ sự không thích quá rõ. Phần nhiều là do lời ra tiếng vào từ người quen, những mối quan hệ xã hội của bố mẹ chồng tôi.




Điều mà tôi nhận ra rõ ràng nhất sau khi kết hôn chính là: không phải bạn cho rằng bản thân mình là thế nào, thì tất cả mọi người xung quanh sẽ nghĩ thế ấy.


Nhất là khi trong cuộc sống gia đình, xung đột xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Những lúc như vậy, con người ta thường sẽ chỉ nhìn vào những yếu điểm của đối phương để tô đậm trong lòng. Tôi dần học cách để khiến cho gia đình tôn trọng tôi, nể mặt tôi thay vì cố gắng khiến cho họ hài lòng.


Khi trong lòng người đối diện đã có một định kiến nào đó với bạn, bất kể bạn có cố gắng khiến họ vui đến đâu cũng không là gì trong mắt họ cả. Nếu bạn đủ thông minh để hiểu được họ không hài lòng vì điều gì và nguyện ý nỗ lực, đồng thời, bạn dám chắc chắn rằng bạn có thể đáp ứng được, chắc chắn rằng họ sẽ nhìn nhận bạn khác đi, lúc ấy bạn hãy chọn con đường chông gai đó. Cá nhân tôi thì tôi biết mình không thể thay đổi được gia cảnh, xuất thân của mình, tôi cũng không có ý định chối bỏ quá khứ. Vậy làm thế nào để bản thân có thể sống một cách cân bằng giữa gia đình mới. Tôi nhận thấy mỗi người đều có một vài nhóm mối quan hệ để họ lựa chọn cách ứng xử riêng.

  • Một, nhóm người chúng ta vô cùng yêu quý, nói cách khác, chúng ta luôn thiên vị cho nhóm này. Những điểm mạnh của họ khiến chúng ta tâng bốc, điểm yếu của họ khiến chúng ta muốn trốn tránh, gạt bỏ sang bên thậm chí xoá sạch như không tồn tại.

  • Hai, nhóm người chúng ta không yêu không quý, bất kể có quan hệ họ hàng huyết thống dây mơ rễ má hay là người dưng nước lã thì chỉ cần tình cảm đứng ở mức này, đối với chúng ta đều là xã giao hết.

  • Ba, nhóm người chúng ta không hề thấy thiện cảm, thậm chí ghét bỏ, thế nhưng chúng ta vẫn phải tay bắt mặt mừng, cười cười nói nói như thể vô cùng thân thiết. Nhóm này là nhóm “vuốt mặt cũng phải nể mũi”. Tại sao? Bởi những mối quan hệ này liên kết với chúng ta bằng một danh xưng nào đó không bao giờ có thể gạt bỏ, hoặc liên kết với ta bằng lợi ích. Có thể mối quan hệ này sẽ tồn tại hữu hạn hoặc vô hạn nhưng điểm chung là nếu ta muốn cắt đứt, ta sẽ phải trả cái giá rất lớn.

  • Bốn, đây là nhóm cuối cùng, nhóm có mối quan hệ tệ hại nhất, có thể gọi là “không đội trời chung”. Đây là nhóm khiến chúng ta ghét bỏ, thậm chí trở mặt, có thù oán không thể hoá giải, tính cách không thể hoà hợp, đụng đâu là thị phi, chiến tranh lan đến đó.

Mối quan hệ giữa bạn với người nhà chồng thường rất khó có thể rơi vào nhóm một, nếu có thì chúc mừng bạn trúng số độc đắc, là người con dâu cả họ nhà chồng đều yêu quý. Phần đông các bạn sẽ rơi vào nhóm hai của người nhà chồng, nhưng thực sự khi cảm nhận những người sống cùng trong một gia đình mà xã giao với nhau, tưởng như yên bình nhưng thực tế bạn sẽ thấy cô đơn lắm. Hơn nữa khi xảy ra va chạm thì chuyện từ mối quan hệ vô thưởng vô phạt chuyển thành mâu thuẫn là chuyện trong gang tấc. Tôi là ví dụ như thế, và rồi dần dần tôi tự biến mình trở thành nhóm đối tượng thứ ba đối với gia đình chồng. Thời gian càng lâu thì họ càng cảm thấy có nhiều điểm không hài lòng, chuyện không hợp về ý muốn trong sinh hoạt, chuyện về quyền riêng tư, quyền tự do, chuyện quan điểm sống, quan điểm chăm sóc con cái, … rất nhiều sự tác động. Cuối cùng, tôi chọn trở thành một người không cần sự yêu quý, hài lòng từ người thân của chồng mình, tôi chỉ cần giữa chúng tôi nhất định phải tồn tại sự tôn trọng. Sự tôn trọng này sẽ tạo ra một ranh giới để chúng ta không cảm thấy không gian sống và cảm nhận của mình bị thu hẹp, khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên ngột ngạt. Sự tôn trọng sẽ khiến cho cả bạn và họ mỗi khi muốn thể hiện điều gì, quyết định nói hay làm gì đều phải nhìn lại đối phương một chút, phải suy nghĩ thêm một chút. Giống như một bản giao kèo ngầm hay một quy tắc bất thành văn vậy, chúng ta sẽ không bước qua giới hạn để xâm phạm vào khoảng trời riêng của đối phương. Đó là một biện pháp tích cực và có hiệu quả để duy trì cuộc sống chung có tồn tại mâu thuẫn và có nguy cơ mâu thuẫn cao hơn.


Thực sự dù bạn có lý trí và tỉnh táo bao nhiêu để nhắc nhở bản thân không phạm sai lầm, hay không phản ứng lại một cách tiêu cực thì sự nhẫn nhịn cũng sẽ đến lúc đạt ngưỡng giới hạn. Lúc đó chỉ cần bước quá một bước, bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều, nhất là tình cảm vợ chồng, đây là một quan hệ cần ưu tiên bảo vệ hàng đầu khi sống chung. Mặt khác, nếu bạn có một đứa con trai, bạn sẽ không muốn mình trở thành tấm gương xấu, và nếu có một đứa con gái thì bạn cũng không muốn chúng cảm thấy ám ảnh tiêu cực về cuộc sống hôn nhân đâu. Vậy làm thế nào để có được sự tôn trọng:


Thứ nhất: Hãy rõ ràng và sòng phẳng về tiền bạc, chỉ cần không quá chi li là được.

Hai vợ chồng cần thống nhất về mức sinh hoạt phí hợp lý của mình và nếu chưa cần phải nuôi ông bà thì hãy tự chi trả cho chính gia đình nhỏ của mình. Bạn không thể kêu gào sự tôn trọng khi bạn phụ thuộc và đang được “nuôi”, đúng chứ?


Thứ hai: Sự thông cảm lẫn nhau vẫn cần thiết phải có, nếu có thể hãy quan tâm một chút đến ngày lễ.

Không tránh khỏi sẽ có những lúc chúng ta phải làm thay phần việc của nhau vì một lý do nào đó, chỉ cần đó không phải là sự đùn đẩy và ỷ lại thì hãy rộng lượng và vui vẻ. Nguyên tắc sống bền vững trong gia đình hay ngoài xã hội đều là đôi bên cùng có lợi, chỉ cần bạn chịu giúp, không sợ đến ngày bạn cần lại không có ai đó đứng ra. Bên cạnh đó ngày lễ tết, một chút “biếu xén” được coi là quan tâm vừa phải và đúng mực. Tại sao phải làm vậy ư? Vì thể diện của chồng bạn, của bạn, của cả hai vợ chồng.


Thứ ba: Việc con cái, đừng để ai khác gánh vác trách nhiệm chính, đó là việc của vợ chồng bạn.

Độc lập, tự do, hạnh phúc tồn tại ngay trong việc bạn được chăm sóc và nuôi dạy con cái theo ý muốn, quan điểm của mình. Hơn tất cả, không hoặc hạn chế nhờ vả thì lời kêu ca bạn phải nghe sẽ ít đi nhiều, sự ca thán từ phía người lớn tuổi là đau đầu nhất trên đời, hơn cả sự lèo nhèo của bọn trẻ con hay lời mắng nhiếc của mấy ông sếp.



Thứ tư: Tôn trọng giờ giấc, nếp sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.

Đây có lẽ là vấn đề gây mâu thuẫn nhiều nhất trong mỗi gia đình. Thực tế thì mỗi người có công việc khác nhau, và tuỳ độ tuổi thì sinh hoạt cũng khác nhau. Cơ bản bạn chỉ cần nhớ đừng làm phiền sự nghỉ ngơi của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta biết “ngại” một chút thì người khác cũng phải “ngại” chúng ta một chút.


Thứ năm: Bộc lộ cảm xúc của bản thân một cách chừng mực.

Không ai bắt bạn phải luôn cười nói vui vẻ ngay cả khi mệt mỏi hoặc ức chế, tức giận. Bạn chỉ cần chú ý, cảm xúc tích cực đừng quá “lố” và cảm xúc tiêu cực đừng trút giận vô tội vạ, bạn thể hiện đủ để người đối diện biết thôi là được, cụ thể phụ thuộc vào EQ của bạn.



Sự tôn trọng đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống gia đình của tôi, nhất là sau khi tôi có con. Thời tiết có nắng có mưa, cuộc sống có lúc vui vẻ lúc bất hạnh. Dù là gì thì bạn vẫn luôn cần phải trụ vững và bảo vệ những giá trị mà bản thân đang sở hữu. Mỗi khi quyết định nói gì và làm gì, hãy nhớ, gia đình chồng là tấm bảng không thể xoá, mỗi lời bạn nói, việc bạn làm sẽ thành truyền thuyết, truyền kỳ đến mãi sau này. Bạn sẽ không mong muốn một ngày nào đó có một bà lão hay ông lão ngồi kể chuyện xưa với mấy đứa trẻ mà lại xuất hiện bản thân mình trong đó đâu.

Chúc bạn và tôi luôn sống tốt!

Ảnh: Unsplash.


Comments


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page