top of page
Ảnh của tác giảDiệp Hạ

Bằng sự kết hợp các phương pháp ăn dặm, tôi đã có một em bé “ăn cả thế giới”.

Ăn dặm là bước ngoặt mới trên hành trình khôn lớn của mỗi em bé, đồng thời cũng là thử thách cần vượt qua của các bà mẹ. Mỗi bà mẹ khi có một em bé bước vào độ tuổi ăn dặm, những điều họ quan tâm bao gồm: thời điểm ăn dặm, phương pháp ăn dặm, thực phẩm, cách chế biến, khẩu phần ăn, lịch sinh hoạt… Trong đó, đau đầu nhất có lẽ là việc lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với con mình. Có ba phương pháp ăn dặm được nhắc đến nhiều nhất hiện tại là: Truyền thống, BLW hay còn gọi là ăn dặm bé chỉ huy và Ăn dặm kiểu Nhật.


Ảnh: Unsplash.


Chúng ta điểm qua một chút về từng phương pháp để hiểu rõ hơn:


Ăn dặm truyền thống bắt đầu với thức ăn nhóm tinh bột, thường là gạo được xay thành bột, sau đó đem nấu chín thành hỗn hợp sánh mịn cho em bé ăn. Ban đầu em bé sẽ ăn bột ngọt, tức là bột nấu chung với sữa công thức hoặc sữa mẹ, dần chuyển sang bột mặn tức là có đạm từ thịt, trứng, tôm cá, có thể kết hợp các loại rau củ… Thường bột sẽ được nấu lẫn với thức ăn nhóm đạm và vitamin. Bé lớn lên, thức ăn sẽ được tăng độ thô: bột sẽ dần được chuyển thành cháo xay, cháo vỡ hạt, cháo nguyên hạt, cơm nát đến cơm. Thường thì đến khi bé đủ răng, gia đình mới cho bé tăng thô đến cơm nát hoặc cơm. Lộ trình để hoàn thành khóa ăn dặm cho bé ăn dặm truyền thống là khoảng hai năm. Ưu điểm là lượng thức ăn trẻ nạp được nhiều, đầy đủ các nhóm chất trong một khẩu phần.


Cháo lươn rau củ


Ăn dặm bé chỉ huy (BLW) bắt đầu với thức ăn nhóm vitamin là rau củ quả, sau đó mới đến tinh bột và đạm. Các bé sẽ được tự mình cầm nắm thức ăn được cắt phù hợp và nấu mềm vừa phải, tự mình học cách đưa thức ăn lên miệng, nhai cắn bằng lợi và học cách nuốt. Với phương pháp này, bé được trải nghiệm các mùi vị khác nhau từ sớm, phân biệt các loại thức ăn, thiết lập thói quen ăn uống chủ động và khẩu vị riêng. BLW nhấn mạnh về khẩu phần ăn khoa học, hướng các bé đến với thói quen ăn rau củ quả giảm nguy cơ béo phì, giảm hiện tượng ép ăn, ăn thụ động có hại với đường tiêu hoá và thúc đẩy tâm lý hào hứng của trẻ với chuyện ăn uống. Các bé thường có kỹ năng ăn thô (có thể nhai nuốt một số món) từ khi 7-8 tháng, các kỹ năng tinh sẽ hoàn thiện (thành thạo dụng cụ thìa dĩa) vào khoảng một năm rưỡi đến hai năm tuỳ vào từng bé.


Bữa ăn dặm BLW


Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm của các mẹ Nhật, đòi hỏi nhiều kỹ năng tỉ mỉ, cầu kỳ, nhiều dụng cụ chế biến, kỹ thuật lưu trữ đồ ăn. Với phương pháp này, trẻ được bắt đầu bằng cháo tỉ lệ 1:10 và rây nhuyễn. Các loại củ quả được làm chín và nghiền nhuyễn. Tuy bắt đầu từ nhuyễn đến đặc, mềm đến thô như phương pháp truyền thống, nhưng ăn dặm kiểu Nhật lại giống BLW ở quan điểm trẻ dưới một tuổi ăn sữa là chính, ăn dặm là phụ. Ngoài ra, phương pháp còn ưu tiên rau củ quả trong khẩu phần ăn từ khi bắt đầu, giúp trẻ rèn luyện thói quen ăn uống khoa học. Lộ trình tăng thô của phương pháp này là trong một năm rưỡi trẻ sẽ ăn được cơm. Như vậy, lộ trình ăn thô của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nhanh hơn so với truyền thống.


Cháo rây 1:10 mix rau cải nhuyễn


Một trong những lý do tôi lựa chọn phương pháp kết hợp là bởi tôi muốn tận dụng lợi thế của từng phương pháp cho mỗi giai đoạn của con.


Cụ thể, tôi xây dựng cho con lộ trình ăn dặm như sau:


  • Trẻ ấu nhi được khuyến cáo ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Tôi lựa chọn khởi đầu với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để con làm quen với vị của đồ ăn. Đồ ăn được chế biến nhuyễn giúp con dễ dàng hơn trong việc đảo lưỡi, tập nhào trộn thức ăn trong miệng và tập nuốt. Tôi không chọn phương pháp truyền thống đơn giản là vì tôi không có thời gian để ra ngoài đi xay bột, trong nhà cũng không có máy xay đồ khô chuyên dụng. Việc bảo quản cũng là vấn đề cần lưu ý, bột gạo xay dễ bị ẩm mốc, nhưng mắt thường rất khó thấy được ngay từ đầu, thường phải có mùi mốc thì người lớn mới nhận ra. Hàm lượng dinh dưỡng trong bột xay cũng không trọn vẹn như hạt gạo được nấu mới.


Cháo rây 1:10

  • Sau một tháng rưỡi, con tôi đã đảo lưỡi trộn thức ăn và nuốt tốt, làm quen với hầu như toàn bộ các loại rau củ thông thường, tôi bắt đầu cho con ăn dặm kết hợp giữa BLW và kiểu Nhật, đôi khi có cháo xay nhuyễn truyền thống. Vẫn là những món ăn trước đó, nhưng có thêm một vài miếng rau củ hấp mềm kèm theo. Con sẽ được tự ăn rau củ hấp trước, sau đó mới đến mẹ đút đồ ăn nhuyễn.

Ưu điểm: con vừa được chủ động trong ăn uống, vừa tập luyện kỹ năng tinh (sử dụng ngón tay cầm nắm, kết hợp tai mắt miệng để có thể ăn). Đồng thời con cũng không bị hao hụt dinh dưỡng vì có mẹ đút, con sẽ chưa nuốt được gì với phương pháp BLW giai đoạn đầu.


Nhược điểm: con ăn mất nhiều thời gian hơn, mẹ khống chế bữa ăn trong 30 phút để hình thành thói quen. Việc dọn dẹp sau ăn cũng là một niềm vất vả đối với mẹ, đòi hỏi kiên trì rất lớn.


Ăn dặm kết hợp cháo xay nhuyễn (truyền thống) và BLW


Hai phương pháp này đều nhấn mạnh quan điểm sữa là thức ăn chính của trẻ dưới một tuổi, ăn dặm là để làm quen với thức ăn và bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa. Vậy nên BLW thiên về rèn luyện kỹ năng, hầu như con không ăn được trong giai đoạn đầu và ăn ít ở giai đoạn bắt đầu biết nhai nuốt, nếu con làm quen tốt thì con sẽ tăng lượng ăn được hơn. Còn ăn dặm kiểu Nhật thì mẹ là người chịu trách nhiệm khống chế lượng ăn để đảm bảo lượng sữa đủ cho con mỗi ngày.


  • Khi con được bảy tháng rưỡi, tôi cảm thấy con yêu thích phương pháp BLW hơn và kỹ năng ăn uống của con khá tốt. Vậy nên tôi chuyển sang BLW nhiều hơn, lượng thức ăn đút giảm đi một chút. Lúc này tôi có sử dụng một số món cháo nấu lẫn của phương pháp truyền thống để tiết kiệm thời gian đút trong một bữa, mà con vẫn đủ chất, được thêm thời gian chủ động với BLW nhiều hơn. Con thích ứng tốt, thậm chí đến một thời gian tôi thấy con có dấu hiệu từ chối ăn đút. Do đó, tôi quyết định chuyển sang phương pháp BLW hoàn toàn từ khi con tám tháng. Tôi đã hái được quả ngọt khi con chín tháng, gần như mẹ chỉ làm khán giả khi con đang dùng bữa, con tự ăn lần lượt những món được đưa lên bàn cho đến khi hết khay tôi chuẩn bị. Có những bữa thừa đồ ăn một chút, là do con không hợp khẩu vị với món đó, còn lại, chỉ cần con thích, con đều ăn tốt và hào hứng. Các món tôi thường làm là cơm viên/nắm cùng thịt băm nhuyễn hoặc rong biển, có khi là cơm trứng được viên lại. Rau củ đa dạng, hấp và luộc là chính. Món đạm thường là thịt viên, thịt tẩm bột chiên, tôm hấp, trứng cuộn…

Con ăn BLW hoàn toàn.

  • Khi con mười tháng tuổi, con đã hoàn thiện kỹ năng bốc nhón, nhai nuốt được hầu hết mọi đồ ăn với nhiều cách chế biến khác nhau, không chỉ ăn được trái cây mềm mà bắt đầu ăn được các loại cứng hơn. Tôi lúc này không còn quá rõ ràng về phương pháp, tùy thời điểm phù hợp tôi sẽ cho con ăn chủ động hoặc mẹ đút. Con cũng sẽ ăn thô lúc khoẻ mạnh và ăn cháo, bún, phở (chế biến kiểu Việt, Hàn, Nhật) khi ốm hoặc mọc răng. Điều thành công nhất là con ăn thô tốt và đa dạng thức ăn các nhóm dinh dưỡng. Tôi chú trọng nhiều hơn đến kỷ luật bàn ăn vì con càng lớn càng biết nghịch, biết chơi hơn. Đến khi qua một tuổi, tôi cho con tập thìa dĩa. Hiện con mười bảy tháng, dùng dĩa xiên đồ ăn và ăn tốt, nhưng thìa thì còn khó điều khiển, vẫn cần tập luyện tiếp. Có thời gian mùa đông lạnh khiến tôi ngừng tập cho con, bởi việc bôi bẩn và tắm rửa nhiều lần trong một ngày không tốt với sức khoẻ, quá trình bị lùi lại mới đến giờ này. Nhưng không sao cả, chỉ cần con vẫn vui vẻ ăn uống, phát triển đồng đều là đủ, tôi không đặt nặng vấn đề tốc độ.

Con ăn được cơm nấu mềm từ khá sớm.


Việc sử dụng phương pháp nào không quan trọng, quan trọng là giá trị cốt lõi của việc ăn dặm.


Ăn dặm là bước chuyển giao cho con từ giai đoạn ăn sữa hoàn toàn sang ăn thức ăn hoàn toàn như người lớn. Bởi vậy quá trình này sẽ đặt nền tảng cho thói quen ăn uống của con sau này.


  • Tăng thô hợp lý theo độ tuổi để tận dụng "giai đoạn vàng" cho mỗi kỹ năng ăn uống.

  • Xây dựng nếp sinh hoạt khoa học, có kỷ luật, giờ nào việc nấy cho con.

  • Hình thành thói quen ăn uống đa dạng, đồng đều giữa các nhóm dinh dưỡng và các loại thực phẩm.

  • Giữ gìn niềm yêu thích ăn uống trong con, để con tiêu hoá khoẻ mạnh, ăn hiệu quả.

  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng giữa sữa và thức ăn trong thời gian ăn dặm để con có hệ tiêu hoá khoẻ, hệ miễn dịch tốt, tối ưu phát triển thể chất.

Mỗi đứa trẻ đều có niềm yêu thích bản năng với chuyện ăn uống. Ăn dặm là bước tiến quan trọng để con có thêm trải nghiệm mới trong ăn uống, đồng thời rèn luyện thêm nhiều kỹ năng quan trọng. Dẫu biết bố mẹ nào cũng mong điều tốt cho con, nhưng việc gượng ép con ăn theo một phương pháp nào đó, một lượng ăn nào đó theo xu hướng, theo con nhà người khác mà bỏ qua lắng nghe con mình, đó sẽ là sự thiệt thòi của đứa trẻ. Hãy để con trẻ có thể tận hưởng trọn vẹn những gì chúng muốn thay vì bị ép phải làm hài lòng mong mỏi của mỗi phụ huynh chúng ta. Chúc các bố mẹ và các con trải qua hành trình ăn dặm vui vẻ, khỏe mạnh!


Comments


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page