Một buổi sáng cuối xuân thanh tĩnh khi tôi bế cậu con trai ra khoảng sân trước hiên nhà. Một cơn gió mát lạnh ùa vào người khiến tôi ước gì mình có thể thả lỏng và trôi theo nó. Nhà kế bên có tiếng đàn piano vọng ra, giai điệu êm đềm mà có chút trúc trắc của người đang tập. Tôi nhìn thiên thần bé nhỏ đang lon ton trong bộ quần áo vàng tươi, bầu trời hửng sáng sau cơn mưa rào làm cậu như đầy sức sống và sự đáng yêu. Nghĩ lại cách đây một vài tháng, tôi còn đang lâm vào cơn khủng hoảng tinh thần tưởng như bức bách không chịu nổi.
Cậu bé của tôi đến nay được mười bốn tháng tuổi, và tôi cũng đã nghỉ việc chừng ấy thời gian để tập trung chăm lo cho con. Nói thế nào nhỉ? Tôi là người có khát vọng sự nghiệp. Trước đây, khi còn độc thân, tôi ôm mộng về một cuộc sống độc lập, nắm quyền chủ động mọi thứ, kiểm soát thật tốt cuộc sống của mình. Tôi vọng tưởng mình sẽ có một gia đình trong tương lai với một ông chồng đủ tốt và con cái đẹp đẽ, khỏe mạnh. Hiện giờ tôi cũng có một ông chồng giống như tôi muốn, một đứa con như tôi mong mỏi. Thế nhưng, vẫn luôn có một điều gì đó trong tôi không ngừng kêu gào khiến tôi không cam tâm. Bắt đầu từ khi con trai được sáu tháng, nếu giống bao người thì tôi sẽ trở lại với công việc của mình, dù công việc văn phòng bình thường, không nhìn thấy tiềm năng phát triển nào nhưng với tôi nó vẫn là công việc. Hoàn cảnh khiến tôi phải thay đổi những dự định, tôi không nghĩ mình sẽ là một người phụ nữ từ bỏ công việc để ở nhà nội trợ, chăm con. Bỗng nhiên thay đổi những dự định cũng khiến tôi phân vân rất nhiều, nhưng tôi vẫn yêu con nhiều hơn. Tôi biết cậu bé của tôi đang trong giai đoạn cần tôi nhất. Thêm vào đó, dịch bệnh kéo dài khiến công việc của tôi bị ảnh hưởng không ít, cho dù có quay lại làm việc thì cũng không thu được hiệu quả mong muốn. Không phụ sự lựa chọn của chính mình, tôi tự hào đã chăm sóc thật tốt cho cậu bé của tôi. Tôi vẫn nhận được sự giúp đỡ của chồng, cuộc sống như vậy cảm thấy thật bình yên.
Đọc thêm bài viết: Tại sao người đàn ông của bạn không khiến bạn hài lòng?
Thế nhưng, đôi khi cuộc sống sẽ đẩy cho chúng ta những biến số mà ta không lường trước được. Mỗi ngày khi tôi vào mạng, hoặc giữ liên lạc với người thân, bạn bè, tôi lại chứng kiến mọi người vẫn đang không ngừng nỗ lực phát triển bản thân. Những khát vọng, nhiệt huyết mà tôi tưởng rằng đã kiềm chế được lại không chịu ở yên, chẳng qua tôi chỉ đang cố lờ đi sự tồn tại của nó. Tôi bắt đầu bị cảm xúc thao túng và dần mất kiểm soát. Tôi tự hỏi mình mỗi ngày: “Sau khi đi làm lại, mày sẽ làm công việc thế nào? Mày muốn tiếp tục cuộc sống một cách nhạt nhẽo thế này sao? Mày có còn là mày nữa không? Năm nay mày đã bao nhiêu tuổi rồi? Đợi con đi học ư? Sớm nhất thì khi mày bắt đầu cũng đã chớm ba mươi rồi? Nếu không phải dịch bệnh hoành hành, mày nghĩ cuộc sống này sẽ đợi mày ư?” Cứ như vậy mỗi ngày, tôi tự dằn vặt bản thân, thất vọng bản thân, cảm thấy như đang bị rơi vào đường cùng không lối thoát. Tôi kìm nén, kìm nén và rồi đến lúc tôi không thể nhịn được nữa. Tôi bắt đầu thấy khó chịu với mọi điều, cáu gắt với chồng và đôi khi cả với con. Có những lúc tôi biết con đang trong thời kỳ khủng hoảng sinh lý, con đang phát triển nhận thức và kỹ năng mới, nhưng tôi vẫn nổi cáu vì cảm thấy phiền. Những sự căng thẳng mỗi ngày càng bộc phát ra càng nhiều và thậm chí bất kể có lý hay vô lý. Có lẽ chồng tôi đã nhận ra sự bất thường đó. Anh lặng yên mỗi khi vợ nổi cáu, lặng yên nghe vợ cằn nhằn, phàn nàn, trách móc cho dù mỗi ngày khi tan làm, anh đều trở về giúp đỡ vợ con toàn bộ công việc nhà. Anh vẫn lo toan chu đáo cho cả gia đình mà chưa một lần than vãn, chưa bao giờ tôi nghe anh nói mệt mỏi. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ mình hiểu anh luôn yêu thương và nhường nhịn mà tôi được nước lấn tới, thoải mái trút bỏ cảm xúc tiêu cực. Sau khi anh nghe hết những bất mãn của tôi mỗi ngày, anh bắt đầu chủ động muốn đưa tôi ra ngoài. Anh nói: “Em đã ở nhà quá lâu rồi, cảm thấy bí bách, khó chịu là điều dễ hiểu, đi lượn một chút cho thư giãn, hay thích ngồi đâu thì anh đưa đi”. Những lần tiếp theo, có khi là chúng tôi cùng đưa con ra ngoài chơi, có khi là đợi con ngủ rồi đi riêng. Nhờ có sự kiên nhẫn và bao dung của người bạn đời mà tôi dần lấy lại được cân bằng. Đến thời điểm đại dịch có dấu hiệu tích cực hơn, anh sắp xếp gia đình ba người chúng tôi về ngoại chơi. Tôi được thư giãn hết sức khi có thể trở về gặp người thân ruột thịt, được cảm nhận không khí tự do, vui vẻ. Tôi thầm nghĩ, nếu người chồng của tôi là một người đàn ông khác nóng nảy hơn, có lẽ người đó sẽ cáu giận ngược lại với tôi, sẽ chất vấn tôi hẹp hòi, rảnh quá suy nghĩ linh tinh, hoặc lên án tôi không biết điều, chỉ có việc ở nhà chăm con cũng kêu ca. Tôi cũng sẽ dần chấp nhận mà trở nên trầm mặc, hoặc tôi phản kháng bằng những biểu hiện mất lý trí hơn. Gia đình nhỏ sẽ khó có thể trở về trạng thái cân bằng và an nhiên vốn có.
Khi tỉnh táo để nhìn lại, bạn mới nhận ra thời điểm bạn khó khăn nhất, đôi khi không phải là những khó khăn trong cuộc sống, mà là những thử thách trong chính con người bạn. Sự đấu tranh giữa nhiều bản ngã trong tâm thức của một người mới là cuộc chiến khó dàn xếp nhất. Những thời điểm đấu tranh tư tưởng ấy, chúng ta không tìm được lối ra trong một sớm một chiều được, thậm chí nếu cứ chỉ một mình mình cố gắng, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Có thể bạn sẽ thoát ra nhưng không còn giữ được sự tích cực của mình. Trải qua một thời kỳ đấu tranh với chính mình, tôi nhận ra tôi đặt quá nhiều áp lực lên bản thân, tôi so sánh bản thân với người khác, trong khi hoàn cảnh sống của tôi và họ không giống nhau. Tôi nhận ra đặt trong áp lực của chính mình, tôi không bản lĩnh như tôi nghĩ, tôi khiến cho chính mình trở nên lung lay, mất trọng tâm. Sự giúp đỡ của người bạn đời đã kéo tôi ra khỏi những dằn vặt, đay nghiến của chính mình. Cho đến cuối cùng, gia đình cũng giống như một đoàn tàu, mà người trụ cột chính là đầu tàu. Khi chúng ta phải dừng lại ở một nhà ga nào đó, cũng giống như mỗi một cột mốc, một bước nghỉ trên đường đời vậy. Và để đi tiếp, các toa sau cần đầu tàu tạo ra một lực kéo, khi có quán tính, đầu tàu sẽ bớt nặng nề hơn, mỗi toa sau đều đã có đà để tiến lên. Trụ cột gia đình cũng vậy. Người ấy bản lĩnh, người ấy cứng cỏi, vững vàng dùng tình yêu thương và sự bao dung để nâng bạn dậy, kéo bạn ra khỏi sự bế tắc vô lối của chính mình. Sau tất cả, chỉ còn tình thương ở lại.
Chẳng mấy chốc, thiên thần nhỏ của tôi bước qua sinh nhật đầu tiên trong đời, tôi tự tay tổ chức tiệc ngọt cho con tại nhà, chỉ có người thân bên nội, vì nhà ngoại khác tỉnh nên không thể gặp. Lúc này trong đầu tôi có một suy nghĩ, sắp đến lúc có thể quay lại với công việc rồi. Tôi tìm kiếm được một công việc có thể làm online trong khi đợi con cứng cáp hơn và có thời gian để chăm sóc cũng như xem xét một ngôi trường có thể tin tưởng. Công việc viết lách là công việc tôi yêu thích nhưng trước đây chưa có điều kiện để bắt đầu. Hoá ra, khi tôi dừng lại công việc văn phòng để ở nhà sinh và chăm con, cuộc đời sắp xếp cho tôi một chặng nghỉ để trao cho tôi một cơ hội mới. Vẫn với sự yêu thương và bao dung của mình, người bạn đời tiếp tục động viên và ủng hộ tôi trên chặng đường mới. Có gia đình nhỏ, người chồng tốt và đứa con đáng yêu, công việc tôi yêu thích, định hướng phát triển hơn, tôi như được trở lại làm chính mình trong sự hào hứng tích cực. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn sống - làm việc với động lực của tình yêu thương và sự gắn kết. Mọi thứ chưa bao giờ mất đi, chỉ là nó tồn tại ở những dạng thức khác nhau. Nếu bạn đủ bình tĩnh và yêu thương, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc luôn ở bên mình, chỉ là mình có thể thấy nó hay không.
Một lần nữa, sau tất cả, còn tình thương ở lại!
Đọc thêm bài viết: Đàn ông tốt giống như ma quỷ.
Ảnh minh hoạ: Unsplash
Comments